Lãi suất tái cấp vốn
Các ngân hàng trung ương chịu trách nhiệm hoạch định chính sách tiền tệ quốc gia và đưa ra mức lãi suất tái cấp vốn cho đồng nội tệ. Các ngân hàng thương mại lớn khi cần sẽ phải vay tiền từ ngân hàng trung ương theo mức lãi suất này.
Dựa trên mức lãi suất tái cấp vốn, các ngân hàng sẽ đưa ra mức lãi suất áp dụng cho khách hàng (cả cá nhân và doanh nghiệp) cũng như lãi suất cho các sản phẩm tín dụng và tiền gửi khác.
Một ngân hàng trung ương có thể tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế quốc dân: làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế bằng cách tăng lãi suất tái cấp vốn để tránh cho nền kinh tế khỏi rơi vào tình trạng tăng trưởng “quá nóng” đồng thời kiểm soát lạm phát
Nếu lãi suất tái cấp vốn ở mức cao, chi phí cho các khoản vay tăng và trở nên kém hấp dẫn với các cá nhân và doanh nghiệp đang có nhu cầu đi vay, điều này làm cho đầu tư giảm xuống.
Ngược lại, bằng cách hạ thấp lãi suất tái cấp vốn, một ngân hàng trung ương có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: các khoản vay trở nên dễ tiếp cận hơn, các công ty bắt đầu phát triển và mở rộng sản xuất kinh doanh với sự trợ giúp từ các khoản vay có chi phí thấp.
Việc tăng lãi suất tái cấp vốn cũng đồng thời làm cho đồng nội tệ tăng giá trong một khoảng thời gian nhất định bởi lãi suất của các sản phẩm tiền gửi ngắn hạn trên thị trường sẽ tăng cao và làm tăng nhu cầu đối với đồng tiền đó.
Sự thay đổi lãi suất tái cấp vốn thường hiếm khi nằm ngoài dự báo: các ngân hàng trung ương (đặc biệt là Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB) thường cố gắng tránh gây bất ngờ và luôn để cho các thành phần tham gia thị trường dự đoán trước những thay đổi trong chính sách tiền tệ.
Lãi suất tái cấp vốn ↑ = ↑ Tỷ giá hối đoái
Trước khi thông tin chính thức về mức lãi suất tái cấp vốn được công bố, tỷ giá hối đoái đã diễn biến theo những chiều hướng thể hiện dự báo của thị trường về những thay đổi có thể xảy ra. Những chiều hướng này có thể khác xa nhau.
Nếu cuối cùng mức lãi suất này nằm ngoài dự báo thì mức độ biến động của thị trường sẽ tăng lên nhanh chóng trong một khoảng thời gian nhất định. Còn nếu mức lãi suất được công bố đúng với dự báo thì sẽ không có biến động nào đáng kể do tỷ giá đã được điều chỉnh từ trước đó.
Cần lưu ý rằng, lãi suất tái cấp vốn có thể có những tác động tiêu cực lên giá trị của trái phiếu (chứng khoán nợ dài hạn): nếu lãi suất tái cấp vốn tăng lên thì giá trái phiếu sẽ giảm xuống.
Do vậy, phân tích bảng biểu về giá trái phiếu có thể phần nào giúp chúng ta dự đoán được những thay đổi trong lãi suất tái cấp vốn.
Tác động qua lại này giữa lãi suất tái cấp vốn và trái phiếu là tương đối dễ hiểu: trái phiếu là công cụ đầu tư với lãi suất cố định, và mức hấp dẫn đầu tư của chúng bị giảm đi cùng với sự tăng lên của lãi suất tái cấp vốn của đồng tiền mà trái phiếu đó được phát hành. Nếu mức tăng lãi suất là đáng kể thì một lượng lớn các nhà đầu tư sẽ bắt đầu sắp xếp lại danh mục của mình bằng việc giảm bớt tỷ trọng nắm giữ trái phiếu và tăng tỷ trọng nắm giữ các loại giấy tờ có giá khác trên thị trường liên ngân hàng.
Bạn cũng có thể quan sát thấy điều này trên thị trường chứng khoán: việc giảm lãi suất tái cấp vốn dẫn tới việc chứng khoán tăng giá.
Tác động qua lại này có thể hiểu được bởi thực tế là lãi suất tái cấp vốn giảm làm tăng khả năng tiếp cận với các khoản tín dụng với chi phí thấp hơn, qua đó các công ty niêm yết có thể sử dụng chúng để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Chỉ số GDP
Trong quá trình giao dịch các cặp tiền tệ trên thị trường ngoại hối, dường như việc phân tích và dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là không cần thiết.
GDP là một chỉ số kinh tế vĩ mô tổng quát, cho nên bạn đừng kỳ vọng là nó sẽ có ảnh hưởng lớn tới những biến động của tỷ giá trong ngắn hạn. Chỉ số này thường thay đổi theo đơn vị phần trăm (%).
GDP với vai trò là một trong những chỉ số cơ bản nhất là một yếu tố rất quan trọng cần xem xét đối với những kế hoạch đầu tư dài hạn.
Tổng sản phẩm quốc nội (Gross Domestic Product – GDP) là tổng giá trị thị trường của tất cả hàng hóa và dịch vụ được tạo ra trong phạm vi một quốc gia trong một khoảng thời gian xác định (thường là một năm).
Tỷ lệ tăng trưởng GDP của một quốc gia càng cao thì tình hình kinh tế của quốc gia đó càng tốt. Tỷ lệ tăng trưởng GDP tối ưu là vào khoảng 3% một năm. Nếu GDP tăng trưởng quá nhanh, ngân hàng trung ương sẽ đưa ra quyết định tăng lãi suất tái cấp vốn và điều này sẽ ảnh hưởng tích cực lên tỷ giá hối đoái của đồng nội tệ
GDP↑ = ↑ Tỷ giá hối đoái
Cán cân thương mại
Cán cân Thương mại là phần chênh lệch giữa giá trị xuất khẩu và nhập khẩu của một nền kinh tế trong một khoảng thời gian xác định.
Dữ liệu thống kê được sử dụng để tính toán cán cân thương mại là giá trị tính bằng tiền của tất cả các sản phẩm và dịch vụ xuất khẩu và nhập khẩu của một quốc gia.
Nếu cán cân thương mại của một quốc gia có giá trị dương thì quốc gia đó đang ở trong tình trạng Thặng dư Thương mại (giá trị xuất khẩu vượt quá giá trị nhập khẩu); còn nếu cán cân thương mại có giá trị âm thì quốc gia đó đang bị Thâm hụt Thương mại (giá trị nhập khẩu vượt quá giá trị xuất khẩu).
Thặng dư thương mại ↑ = ↑ Tỷ giá hối đoái
Khi một quốc gia đang có thặng dư thương mại, tổng giá trị các dòng ngoại tệ chảy vào quốc gia đó cao hơn tổng giá trị các dòng ngoại tệ chảy ra. Ngoại tệ khi vượt qua biên giới sẽ được chuyển đổi thành đồng nội tệ và như vậy, nguồn cung ngoại tệ sẽ tăng lên. Kết quả là tỷ giá hối đoái của các đồng ngoại tệ sẽ giảm còn tỷ giá hối đoái của đồng nội tệ sẽ tăng.
Trong trường hợp một quốc gia đang bị thâm hụt thương mại, đồng nội tệ cần được chuyển đổi thành đồng ngoại tệ để thực hiện các giao dịch thanh toán quốc tế. Kết quả là nguồn cung đồng nội tệ tăng lên và tỷ giá hối đoái sẽ giảm, còn tỷ giá của đồng tiền của quốc gia đang có thặng dư với quốc gia này sẽ tăng.
Tài khoản vãng lai
Tài khoản vãng lai thể hiện các dòng tiền giữa một quốc gia với các quốc gia khác trong một khoảng thời gian xác định
Tài khoản vãng lai bao gồm giá trị xuất khẩu và nhập khẩu, thanh toán từ hoạt động đầu tư tại nước ngoài và thu nhập nhận được từ hoạt động đầu tư nước ngoài tại quốc gia đang xem xét cũng như viện trợ nước ngoài và các dòng tiền khác. Nó là số dư sau khi bù trừ các dòng tiền vào và ra khỏi quốc gia đó. Tuy nhiên, tài khoản vãng lai lại không bao gồm các giao dịch chuyển tiền liên quan tới các nghĩa vụ tài chính hoặc các tài sản có tính chất như các giao dịch tài chính.
Việc phân tích tài khoản vãng lai cho phép phân tích hoạt động kinh tế có yếu tố nước ngoài của một quốc gia. Thặng dư tài khoản vãng lai (hoặc sự giảm bớt thâm hụt tài khoản vãng lai) có lợi cho sự tăng giá trị đồng nội tệ.
Thặng dư Tài khoản Vãng lai ↑ = ↑ Tỷ giá hối đoái
Trên quy mô toàn cầu, tổng giá trị tài khoản vãng lai của tất cả các quốc gia cộng lại sẽ bằng không, bởi thặng dư của quốc gia này sẽ được bù trừ bởi thâm hụt của quốc gia khác.
Thâm hụt Ngân sách ↑ = ↓ Tỷ giá hối đoái
Chỉ số lạm phát
Lạm phát là quá trình suy giảm giá trị đồng tiền, biểu hiện ở sự tăng lên của giá cả hàng hóa và dịch vụ.
Có một vài chỉ số cơ bản được dùng để đánh giá mức độ lạm phát:
Chỉ số giá tiêu dùng (Consumer Price Index hay CPI)
Thể hiện sự thay đổi trong tổng mức giá cả của một giỏ hàng hóa và dịch vụ trong một khoảng thời gian xác định (tháng hoặc năm). Đây là chỉ số lạm phát quan trọng nhất.
Chỉ số giá sản xuất (Producer Price Index hay PPI)
Thể hiện sự thay đổi giá của giỏ hàng hóa bao gồm trên 90.000 loại hàng hóa và dịch vụ của trên 3.500 lĩnh vực sản xuất khác nhau. Chỉ số này bao gồm cả giá sản xuất của các hàng hóa thành phẩm, hàng hóa trung gian và nguyên liệu thô. Dịch vụ chiếm khoảng 50% giỏ hàng.
Bạn chỉ nên lo lắng về áp lực lạm phát khi giá cả tăng cao hơn so với dự báo của chính phủ và các nhà phân tích. Dữ liệu được công bố càng khác so với dữ liệu dự báo bao nhiêu thì nó càng ảnh hưởng tới thị trường Ngoại hối bấy nhiêu.
Lạm phát tăng dẫn đến lãi suất cũng tăng: ngân hàng trung ương cố gắng kiểm soát lạm phát bằng cách tăng lãi suất tái cấp vốn. Lạm phát tăng cũng ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường chứng khoán do nhu cầu đầu tư vào cổ phiếu giảm.
CPI / PPI ↑ = ↑ Tỷ giá hối đoái USD
Có một điều thú vị là gia tăng lạm phát làm giảm tỷ lệ thất nghiệp và ngược lại, tỷ lệ lạm phát giảm có thể khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng (do tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế nói chung giảm xuống).
Lạm phát cũng ảnh hưởng rất lớn tới thị trường trái phiếu: nếu nhà đầu tư mua trái phiếu lãi suất cố định thì giá trị tương lai của đồng tiền nhận được từ lợi tức của trái phiếu đó sẽ giảm đi cùng với sự gia tăng của lạm phát.
Như vậy thì dường như tỷ lệ lạm phát gần như bằng 0 là lý tưởng, nhưng không phải vậy. Lạm phát quá thấp cũng chính là dấu hiệu của trì trệ kinh tế và báo hiệu những điều không tốt đẹp sắp xảy ra.
Doanh số bán lẻ
Là một chỉ số gián tiếp của lạm phát, doanh số bán lẻ là cơ sở phân tích nhu cầu tiêu dùng của người dân và đưa ra kết luận về phản ứng của họ trong bối cảnh kinh tế nhất định.
Lạm phát cũng gắn liền với doanh số bán lẻ: doanh số bán lẻ càng cao thì khả năng gia tăng lạm phát trong tương lai gần càng tăng.
Mặt khác, doanh số bán lẻ tăng cũng ảnh hưởng tới tỷ giá hối đoái vì việc người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn cũng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và nhìn chung thể hiện sự gia tăng niềm tin của người dân vào triển vọng của nền kinh tế.
Doanh số bán lẻ ↑ = ↑ Tỷ giá hối đoái
Các chỉ số việc làm
Tỷ lệ thất nghiệp là tỷ lệ phần trăm giữa những người thất nghiệp và những người đang có việc làm trong phạm vi một quốc gia.
Bạn có thể theo dõi tỷ lệ này bằng cách sử dụng hai chỉ số việc làm chính:
Số lượng đơn Đề nghị trợ cấp Thất nghiệp Lần đầu
Cho thấy có bao nhiêu người đang trong quá trình tìm kiếm việc làm đã đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp trong một khoảng thời gian xác định.
Đề nghị trợ cấp thất nghiệp lần đầu (Initial Jobless Claims) ↓ = ↑ Tỷ giá hối đoái
Chỉ số này chỉ tác động rất ít lên tỷ giá hối đoái bởi hai lý do:
- Nó được công bố hàng tuần, mà diễn biến của nó trong khoảng thời gian ngắn như vậy thì thường không nhiều, khó gây được sự chú ý.
- Bản thân số lượng đơn đề nghị này cũng không quan trọng bằng số việc làm mới được tạo ra.
Sự gia tăng của số lượng người nhập cư và quá trình tự động hóa mạnh mẽ đều làm giảm nhu cầu về nhân công (nhưng làm tăng năng suất lao động) và tác động rất mạnh tới chỉ số thất nghiệp.
Bảng lương Phi nông nghiệp NFP
Là một trong những chỉ số kinh tế quan trọng nhất của Mỹ. Nó được công bố mỗi tháng một lần. Nó phản ánh rất rõ nét thị trường lao động Mỹ và được các nhà kinh doanh cũng như các nhà phân tích theo dõi sát sao.
Số lượng việc làm mới tăng cao là dấu hiệu cho thấy kinh tế đang tăng trưởng bởi nó chứng tỏ các công ty đang thuê thêm người để đáp ứng nhu cầu của mình về lao động để hoàn thành các đơn đặt hàng của khách hàng.
Bảng lương Phi nông nghiệp ↑ = ↑ Tỷ giá hối đoái
Mức tiền công Trung bình Giờ (Average Hourly Earnings)
Là giá trị tuyệt đối trung bình của mức tiền công theo giờ và phần trăm tăng lên của nó trong một khoảng thời gian nhất định.
Số giờ làm việc Trung bình tuần (Average Workweek)
Tỷ lệ thất nghiệp ↓ = ↑ Tỷ giá hối đoái
Thị trường bất động sản
Diễn biến của thị trường bất động sản có ảnh hưởng to lớn tới tình hình nền kinh tế Mỹ nói chung do doanh số bán nhà đóng góp một phần quan trọng trong các hoạt động kinh tế tại nước này. Thị trường bất động sản Mỹ được đặc trưng bởi bốn loại dữ liệu thống kê sau:
Chi tiêu cho hoạt động Xây dựng
Là tổng các loại chi phí dành cho Xây dựng Nhà ở, Phi nhà ở (Non-residential) và Xây dựng Công cộng.
Chi tiêu Xây dựng ↑ = ↑ Tỷ giá hối đoái
Nếu chi tiêu xây dựng liên tục tăng trong vòng 3 tháng liền thì đó là dấu hiệu cho thấy thị trường bất động sản Mỹ đang tăng trưởng mạnh mẽ.
Số lượng nhà ở xây mới
Là dữ liệu về số lượng nhà ở chưa hoàn thiện mà việc xây dựng được bắt đầu trong tháng trước thời điểm báo cáo. Do việc xây dựng các ngôi nhà mới thường đi liền với các khoản vay lớn, nên tỷ lệ lãi suất thường có tác động mạnh tới chỉ số này.
Số nhà Xây mới ↑ = ↑ Tỷ giá hối đoái
Lãi suất cho vay thế chấp giảm sẽ làm tăng tốc độ xây dựng cũng như số giấy phép xây dựng được cấp.
Doanh số bán Nhà đang sử dụng
Phản ánh nhu cầu đối với các ngôi nhà đang sử dụng, hay nói cách khác là số lượng các ngôi nhà đang sử dụng được đem bán.
Thông qua chỉ số này, chúng ta có thể đánh giá được tình hình thị trường nhà ở thứ cấp tại Mỹ.
Doanh số bán Nhà đang sử dụng ↑ = ↑ Tỷ giá hối đoái
Doanh số bán Nhà mới xây dựng
Báo cáo này thể hiện dữ liệu thu thập được trong tháng trước đó.
Doanh số bán Nhà mới xây dựng ↑ = ↑ Tỷ giá hối đoái
Chỉ số đánh giá sản xuất công nghiệp của Mỹ
Sản xuất công nghiệp đóng góp khoảng 30% giá trị GDP của Mỹ.
Chỉ số Sản xuất Công nghiệp (Industrial Production Index)
Thể hiện rõ nét nhất các hoạt động sản xuất của nền kinh tế Mỹ, nó bao gồm các ngành nghề sản xuất, hoạt động khai thác mỏ và hoạt động kinh tế địa phương.
Bên cạnh đó, còn có một số chỉ số khác cũng được tính toán như: Chỉ số Sản xuất của ngành Công nghiệp Nặng (Production Index of Heavy Industry), Chỉ số Vận tải (Transport Index), Chỉ số ngành Điện tử (Electronics Index), Chỉ số Công nghiệp Hóa chất (Chemical Industry Index), Chỉ số Ngành công nghiệp Thực phẩm và Đồ uống (Food & Beverage Index)…
Chỉ số Sản xuất Công nghiệp ↑ = ↑ Tỷ giá hối đoái
Nếu chỉ số của tháng công bố cao hơn so với mức dự đoán thì đó là tín hiệu của lạm phát, điều này sẽ làm tăng lãi suất.
Hiệu suất Sử dụng
Là mức độ thực tế mà các doanh nghiệp hoặc một nền kinh tế sử dụng năng lực sản xuất sẵn có của mình trong các hoạt động sản xuất, khai thác mỏ và các hoạt động kinh tế địa phương. Khi năng lực sản xuất tăng thì hiệu suất sử dụng cũng có xu hướng tăng.
Các nhà phân tích sử dụng chỉ số này để dự đoán diễn biến của lạm phát. Theo quy luật, nếu hiệu suất sử dụng đạt mức 82- 85% thì giá thành sản phẩm của nhà sản xuất và lạm phát sẽ cùng tăng.
Hiệu suất Sử dụng ↑ = ↑ Tỷ giá hối đoái
Nếu dữ liệu công bố về Hiệu suất Sử dụng cao hơn mức lạm phát dự báo thì nhiều khả năng nền kinh tế sẽ phải đương đầu với mức lạm phát cao trong tương lai gần. Hệ quả là lãi suất sẽ tăng theo và gây tác động tiêu cực đến thị trường trái phiếu.
Chỉ số Định hướng (Leading Indicator)
Phản ánh diễn biến nền kinh tế trong một giai đoạn nhất định nào đó. Việc phân tích Chỉ số Định hướng cho phép chúng ta dự đoán trước được một đợt suy thoái trong tương lai gần
Chỉ số Định hướng ↑ = ↑ Tỷ giá hối đoái
Chỉ số Niềm tin của Người tiêu dùng
Thường được dùng để đánh giá chỉ số thỏa mãn của người tiêu dùng đối với thực trạng nền kinh tế Mỹ. Gần đây, chỉ số này luôn được các nhà phân tích cũng như giới đầu tư quan tâm sát sao khi lên kế hoạch đầu tư trong dài hạn.
Consumer Sentiment Index ↑ = ↑ Exchange Rate
Chỉ số Ngân hàng Dự trữ Liên bang Philadelphia
Một chỉ số dương sẽ cho thấy sự phát triển của khu vực kinh tế liên quan; còn một chỉ số âm sẽ là dấu hiệu của các vấn đề kinh tế đang tiềm ẩn.
Chỉ số Hoạt động Kinh doanh ↑ = ↑ Tỷ giá hối đoái
Chỉ số của Viện Quản lý Cung ứng
Institute for Supply Management Index – ISM – phản ánh những diễn biến của sản xuất công nghiệp.
Nếu chỉ số này ở mức trên 50% thì đó là dấu hiệu cho thấy khu vực công nghiệp của Mỹ đang phát triển tốt, còn nếu nó dưới 50% thì đó là dấu hiệu tiềm ẩn cho một đợt suy thoái tại khu vực này.
Chỉ số của Viện Quản lý Cung ứng ↑ = ↑ Tỷ giá hối đoái
Chỉ số Niềm tin Kinh tế ZEW
ZEW Indicator of Economic Sentiment thể hiện tỷ lệ giữa những dự đoán lạc quan và bi quan về tình hình kinh tế trong sáu tháng tới. Các công ty thuộc các lĩnh vực khác nhau sẽ tham gia cuộc khảo sát này.
Chỉ số Môi trường Kinh doanh IFO
IFO Business Climate Index đưa ra đánh giá về môi trường kinh doanh và kỳ vọng của các công ty thuộc lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, bán lẻ và bán buôn. Có khoảng 7.000 công ty tham gia cuộc điều tra này. Họ được yêu cầu trả lời các câu hỏi liên quan đến tình hình kinh tế và dự báo diễn biến kinh doanh trong vòng sáu tháng tới. Đây là một trong các chỉ số quan trọng nhất của khu vực đồng euro.
Báo cáo về lượng cung tiền
Ở nhiều quốc gia, báo cáo về lượng cung tiền đều do các ngân hàng trung ương phát hành. Lượng tiền lưu thông phụ thuộc vào mức lãi suất tái cấp vốn. Lãi suất này tăng thì lượng cung tiền cũng tăng. Các ngân hàng trung ương kiểm soát tỷ lệ cung/cầu đối với đồng nội tệ bằng các công cụ của chính sách tiền tệ.
Cung Tiền được đặc trưng bởi các chỉ số tổng tiền: M0, M1, M2, M3.
- M0 = tiền mặt trong lưu thông (tiền giấy và tiền xu);
- M1 = M0 + tiền trong tài khoản vãng lai và tài khoản tiền gửi không kỳ hạn, séc du lịch;
- M2 = M1 + tiền gửi có kỳ hạn và tiền gửi tiết kiệm;
- M3 = M2 + chứng khoán chính phủ.
Cung Tiền ↑ = ↑ Tỷ giá hối đoái
Chỉ có các nhà đầu tư dài hạn là quan tâm đến chỉ số này và dùng chúng trong việc lập kế hoạch các khoản đầu tư trong thời hạn vài năm.
Về lý thuyết, khi lượng cung tiền tăng lên thì nó sẽ có những tác động tích cực lên nền kinh tế, nhưng trên thực tế, nguyên tắc này không phải lúc nào cũng đúng.
Nhìn chung các nhà kinh tế đều thống nhất với quan điểm rằng tăng cung tiền sẽ tạo động lực cho kinh tế phát triển nhưng đồng thời nó cũng gây ra lạm phát; đến lượt mình, lạm phát làm tăng lãi suất và làm đồng nội tệ tăng giá.
Nhưng cũng có quan điểm khác cho rằng việc tăng lượng cung tiền làm giảm lượng cầu tương ứng; và đến lượt mình, nó làm giảm sức mua của đồng nội tệ, nghĩa là khiến đồng nội tệ giảm giá.
Tổng kết: Những chỉ số kinh tế nào quan trọng nhất?
Dưới đây là danh sách 9 chỉ số quan trọng nhất và mức thay đổi trung bình của tỷ giá đồng đô-la Mỹ (số điểm phần trăm – pip – trong một ngày) tại thời điểm chúng được công bố:
- Bảng lương Phi nông nghiệp (Nonfarm Payrolls) 190 pip
- Lãi suất (Interest Rate) 140 pip
- Lượng trái phiếu Mỹ nước ngoài đã mua (Foreign Purchases of US Treasures) 130 pip
- Cán cân thương mại (Trade Balance) 120 pip
- Tài khoản vãng lai (Current Account) 125 pip
- Số đơn đặt hàng dài hạn (Durable Goods Orders) 125 pip
- Doanh số bán lẻ (Retail Sales) 120 pip
- Lạm phát, Chỉ số Giá Tiêu dùng CPI (Inflation, CPI) 115 pip
- Tổng sản phẩm quốc nội GDP (Gross Domestic Product, GDP) 110 pip
Danh sách trên cho thấy mức độ biến động của tỷ giá đồng đô-la Mỹ mà không xét đến chiều hướng của chúng.
Ngay cả khi bạn là một nhà kinh doanh dựa trên phân tích kỹ thuật thì bạn cũng cần lưu ý các biến động về giá khi một thông tin quan trọng nào đó được công bố để có thể sẵn sàng cho các bước đi tiếp của mình.