Theo nhận định của CNN, bất chấp việc bitcoin và thị trường tiền mã hoá trượt giá trong tuần qua, đồng tiền kỹ thuật số vẫn sẽ là tương lai.
Tuần qua chắc chắn không phải một tuần tuyệt vời cho các loại tiền mã hoá. Bitcoin đang giao dịch thấp hơn gần 40% so với mức giá kỷ lục 64.000 USD sau khi Trung Quốc áp đặt những quy định mới. Trong khi đó, ethereum cũng giảm hơn 35% so với mức cao nhất mọi thời đại và dogecoin giảm hơn 45%.
Theo CNN, các nhà đầu tư kỳ vọng tiền mã hoá sẽ phục hồi trở lại nhưng mức độ giảm nghiêm trọng và quy mô của đợt lao dốc này cũng khiến nhiều người lo lắng về một bong bóng tiềm năng. Các nhà quan sát đang đặt ra những câu hỏi hóc búa về việc liệu tiền mã hoá có thực sự là nơi lưu trữ giá trị tốt hay không.
TRIỂN VỌNG CỦA BITCOIN VÀ TIỀN MÃ HOÁ SAU ĐỢT LAO DỐC
Vụ “tai nạn” xảy ra sau khi các nhà đầu tư tổ chức, doanh nghiệp ngày càng bày tỏ mức độ quan tâm nhiều hơn tới tài sản tiền mã hoá. Xu hướng được tạo ra và thúc đẩy bởi quyết định mua số lượng bitcoin trị giá 1,5 tỷ USD của Tesla.
Việc chấp nhận của các công ty và nhà đầu tư lớn khác hiện có thể chậm lại vì diễn biến hiện tại.
Dù thế, cũng trong tuần trước, hai thông báo quan trọng từ chính phủ Mỹ cũng được cho là sẽ tác động tới giá của bitcoin và các đồng tiền mã hoá khác. Cụ thể, nhiều người kỳ vọng động thái của Washington sẽ giúp tiền mã hoá phổ biến hơn, đồng thời giải quyết một số vấn đề liên quan đến tiền kỹ thuật số.
“Giống như các giao dịch tiền mặt, các doanh nghiệp nhận tiền mã hoá có giá trị thị trường hợp lý hơn 10.000 USD cũng sẽ phải báo cáo”, báo cáo về việc thực thi thuế của Sở Thuế vụ (IRS) Mỹ đưa ra hôm 20/5 cho hay.
Việc IRS tham gia có vẻ không phải là một sự phát triển tích cực cho tiền mã hoá nhưng rõ ràng, việc chính phủ đối xử với tiền mã hoá giống như cách họ đối xử với tiền mặt (USD) có thể là một bước quan trọng trong việc đưa tiền mã hoá trở thành xu hướng chủ đạo.
Thông báo thứ hai đến từ Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã công bố các bước tiến mới trong việc phát triển đồng USD kỹ thuật số tiềm năng, được kiểm soát bởi ngân hàng trung ương.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết trong một thông điệp video hiếm hoi được ghi lại hôm 20/5 rằng Fed sẽ công bố một tài liệu thảo luận vào mùa Hè này, tập trung khám phá công nghệ cho thanh toán kỹ thuật số, “đặc biệt tập trung vào khả năng phát hành tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương”. Hiện Fed đang chưng cầu ý kiến của công chúng về vấn đề này.
Ông Powell cho biết thêm:
Trọng tâm của chúng tôi là đảm bảo một hệ thống thanh toán an toàn và hiệu quả, mang lại lợi ích rộng rãi cho các hộ gia đình và doanh nghiệp Mỹ, đồng thời chấp nhận sự đổi mới.
Fed cho rằng đồng USD kỹ thuật số có thể là một sự cải tiến so với các dịch vụ hiện tại, bao gồm cả “stablecoin” được gắn với giá trị của các tài sản khác bao gồm cả tiền tệ dự trữ.
Chủ tịch Powell khẳng định:
Cho đến nay, sử dụng tiền mã hoá không phải là một cách thuận tiện để thực hiện thanh toán, chủ yếu là vị sự thay đổi liên tục về giá trị của chúng. Stablecoin nhằm mục đích sử dụng các công nghệ mới theo cách có tiềm năng nâng cao hiệu quả thanh toán, tăng tốc độ thanh toán và giảm chi phí của người dùng cuối – nhưng chúng cũng có thể mang lại rủi ro tiềm tàng cho những người dùng đó và cả đối với hệ thống tài chính rộng lớn hơn.
Về cơ bản, Fed đã nghiên cứu tiền tệ kỹ thuật số trong một thời gian, nhưng các ngân hàng trung ương khác đang tiến nhanh hơn. Ví dụ, Trung Quốc đang chạy thử nghiệm trong thế giới thực với một phiên bản kỹ thuật số của đồng nhân dân tệ.
Ngay cả khi Fed nỗ lực để tăng cường đẩy mạnh tiền mã hoá, ngân hàng trung ương đã nói rõ rằng tiền mặt vẫn là vua. Ông Powell nói:
Chúng tôi nghĩ rằng điều quan trọng là bất kỳ [tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương] tiềm năng nào cũng có thể đóng vai trò là sự bổ sung chứ không phải thay thế tiền mặt và các hình thức kỹ thuật số của khu vực tư nhân, chẳng hạn như tiền gửi tại các ngân hàng thương mại.