Indicators là gì?
Indicators (chỉ báo) là các điểm dữ liệu cho thấy hướng mà tỷ giá những cặp tiền sẽ di chuyển. Các chỉ báo này được nhà đầu tư sử dụng rộng rãi để tối ưu hóa chiến lược giao dịch.
Các indicator được sử dụng theo những khung thời gian và cặp tiền tệ khác nhau. Khi biết kết hợp chúng đúng cách, bạn có thể xây dựng một chiến lược giao dịch hiệu quả và mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư.
Trong Forex có hai loại chỉ báo: chỉ báo nhanh (leading indicator) và chỉ báo chậm (lagging indicator).
Chỉ báo nhanh cho những tín hiệu trước khi xu hướng mới hoặc xu hướng đảo chiều xảy ra.
Ngược lại, những chỉ báo chậm đưa ra các tín hiệu sau khi xu hướng đã hình thành.
Đọc đến đây, bạn sẽ nghĩ “Vậy nếu tin vào chỉ báo chậm, mình sẽ “lỡ thuyền mất!” Như vậy, chỉ báo nhanh mới chính là công cụ giúp bạn làm giàu. Vì các nhà giao dịch thường chỉ kiếm được tiền khi xu hướng vừa mới bắt đầu.
Đúng! Nhưng chưa đủ!
Chỉ báo nhanh sẽ giúp bạn “thâu tóm” mọi xu hướng khi chúng bắt đúng toàn bộ tín hiệu. Điều không tưởng này không bao giờ xảy ra. Khi sử dụng chỉ báo nhanh bạn sẽ gặp rất nhiều tín hiệu sai.
Đây cũng là nhược điểm của công cụ này, chúng xưa nay vẫn nổi tiếng luôn đưa ra những tín hiệu ảo, không có thật, để “đánh lừa” bạn.
Và để hạn chế việc bị nhiễu loạn, dẫn đến quyết định sai lầm, bạn cần sử dụng thêm một công cụ khác nữa chính là chỉ báo chậm
Chỉ báo chậm chỉ đưa ra tín hiệu sau khi giá đã định hình xu hướng một cách rõ ràng. Tuy nhiên, chính điểm này lại khiến bạn bỏ lỡ một số điểm vào đẹp hay những cơ hội tốt để thu về lợi nhuận tối đa.
Cả hai loại chỉ báo này đều hỗ trợ cho nhau, nhưng đôi khi chúng lại đối lập nhau.
Chúng tôi không thể nói bạn nên dùng chỉ báo nào hay kết hợp cả hai với nhau. Điều đó phụ thuộc vào bạn. Nhưng một điều chắc chắn, bạn cần hiểu rõ ưu nhược từng loại, để đưa ra quyết định cho riêng mình.
Công cụ chỉ báo nhanh (Leading Indicators / Oscillators)
Chỉ báo dao động (Oscillator) là công cụ phân tích dữ liệu dao động lên xuống giữa 2 cực. Nói cách khác, chúng luôn luôn rơi vào một khoảng nào đó nằm giữa cực A và B.
Tất nhiên, chỉ báo dao động (oscillator) cũng đưa ra những tín hiệu về “mua” hoặc “bán”. Nhưng khi oscillator không rõ điểm kết thúc của chu kỳ mua hoặc bán, chúng sẽ không thể đưa ra tín hiệu rõ ràng.
Mỗi một loại chỉ báo này được thiết kế để đưa ra những tín hiệu đảo chiều, khi các xu hướng trước đó kết thúc và giá bắt đầu chuyển đổi xu thế.
Hãy xem một vài ví dụ cụ thể.
Chúng tôi đã bật cả 3 loại chỉ báo oscillator trong khung biểu đồ ngày D1 của cặp tiền GBP/USD, như dưới đây:
Nhìn vào biểu đồ, bạn thấy cả 3 chỉ báo đều cho những tín hiệu mua vào cuối tháng 12. Nếu bạn giao dịch trong giai đoạn này, chắc chắn bạn kiếm được khoảng 400 pip
Trong ba tuần tháng 1, cả ba đều cho tín hiệu bán. Để rồi trong suốt 3 tháng tiếp theo, giá giảm mạnh, nếu bạn bán (short) theo các tín hiệu trên bạn có thể kiếm được kha khá pip. Tới trung tuần tháng 4, ba chỉ báo oscillator lại tiếp tục đưa ra những dấu hiệu bán, sau khi giá tiếp tục tăng mạnh.
Tương tự, chúng ta sẽ xem thêm ví dụ về chỉ báo oscillator, nhưng để bạn hiểu chúng thực sự không hoàn hảo như bạn nghĩ.
Với biểu đồ bên dưới, bạn có thể nhìn thấy các chỉ báo cho những tín hiệu ngược nhau.
Nếu chỉ báo Parabolic SAR cho tín hiệu bán, thì Stochastic lại cho bạn tín hiệu mua. Vậy tín hiệu nào mới đúng? Trong khi đó, chỉ báo RSI dường như lại không đưa ra bất cứ tín hiệu mua và bán nào.
Nhìn biểu đồ trên, bạn dễ dàng nhận ra có quá nhiều tín hiệu sai xuất hiện.
Trong suốt hai tuần tháng Tư, cả Stochastic và RSI đều đưa ra những tín hiệu bán trong khi đó Parabolic SAR lại không có bất kỳ tín hiệu nào hết. Giá tiếp tục tăng mạnh và bạn có thể thua lỗ nếu bán ngay lập tức.
Tới giữa tháng Năm, bạn tiếp tiếp tục thua lỗ nếu bạn theo các tín hiệu mua từ Stochastic và RSI, cũng như bỏ qua những tín hiệu bán từ Parabolic SAR.
Tại sao chúng lại đưa ra những tín hiệu trái ngược nhau?
Đó là do mỗi loại đều có một công thức tính toán khác nhau.
Stochastic dựa vào vùng giá từ cao đến thấp của một mốc thời gian (trong biểu đồ trên là khung tính theo giờ) và không quan tâm đến sự thay đổi từ thời điểm này đến thời điểm kế tiếp.
Trong khi đó, RSI lại sử dụng công thức tính dựa trên sự thay đổi của giá đóng của kỳ này tới giá đóng cửa kỳ kế tiếp.
Còn Parabolic SAR lại có một công thức tính toán của riêng nó.
Chính vì thế, chúng đã tạo ra sự xung đột tín hiệu, và trong mỗi chuyển động giá cụ thể sẽ đưa ra những kết quả ngược nhau.
Dù đã hiểu vì sao những chỉ báo nhanh có thể gây ra sai lầm, nhưng chúng ta không có cách nào để tránh được cả.
Nếu bạn nhận được nhiều tín hiệu ngược nhau, tốt nhất đừng nên làm gì. Hãy ngồi im chờ đợi. Và đừng giao dịch, nếu biểu đồ không thỏa mãn các yêu cầu bạn đặt ra! Chỉ giao dịch khi có tín hiệu rõ ràng hay đồ thị đáp ứng toàn bộ những tiêu chuẩn chính bạn.
Công cụ chỉ báo chậm (Lagging Indicators / Momentum Indicators / Trend following)
Đây là những chỉ báo giúp bạn xác định xu hướng ngay khi chúng được thiết lập, tất nhiên sẽ có đôi chút chậm trễ. Nhưng chúng ít mắc sai lầm hơn các chỉ báo nhanh.
Trong biểu đồ ngày trên đây của cặp GBP/USD, vào ngày 15/10, EMA 10 giao cắt với EMA 20 báo hiệu cho việc tăng giá (bullish). Tương tự, đường MACD cũng giao cắt bắt chéo, cho tín hiệu mua vào. Nếu bạn đặt lệnh mua, những ngày uptrend (xu hướng tăng giá) tiếp theo, chắc chắn sẽ làm bạn phấn khích.
Tiếp sau đó, cả hai đường MA lẫn MACD đều cho tín hiệu bán ra. Với xu hướng giảm sâu như thế này, nếu bạn bán (short), bạn sẽ kiếm được lợi nhuận khổng lồ.
Bây giờ, cùng xem biểu đồ khác để bạn hiểu thêm rằng những dấu hiệu bắt chéo này, đôi khi, vẫn cho những tín hiệu sai. Chúng tôi gọi đó là “tín hiệu giả mạo”.
Vào ngày 15/3, chỉ báo MACD đã có sự giao cắt thể hiện thị trường sắp sửa tăng, trong khi đường trung bình động lại không đưa ra tín hiệu nào. Nếu bạn giao dịch với những tín hiệu mua từ MACD, chắc chắn bạn sẽ thua lỗ.
Tương tự, tín hiệu mua của MACD vào cuối tháng 5 không hề trùng với tín hiệu từ EMA đưa ra. Nếu bạn đặt lệnh mua vào (long) ở đó (điểm khoanh trên biểu đồ), bạn có thể thua lỗ nặng.
Tổng kết
Sau đây, chúng tôi tóm lược những điều bạn cần nhớ về bài học này:
Trong giao dịch Forex có hai loại chỉ báo gồm: chỉ báo nhanh (leading) và chỉ báo chậm (lagging).
Chỉ báo nhanh cho những tín hiệu trước khi xu hướng mới hoặc xu hướng đảo chiều xảy ra.
Chỉ báo chậm hoặc chỉ báo động lượng chỉ cung cấp tín hiệu sau khi xu hướng hình thành.
Nếu có thể xác định kiểu thị trường mà bạn đang giao dịch, bạn sẽ biết nên sử dụng công cụ nào cho phù hợp với thị trường của bạn nhất.
Vậy khi nào sử dụng chỉ báo dao động và khi nào sử dụng chỉ báo động lượng, hoặc sử dụng cả hai?
Một câu hỏi triệu đô!
Và sẽ chẳng ai có thể trả lời cho bạn, ngoài bạn!
Bây giờ, bạn chỉ cần nhớ, xác định kiểu thị trường giao dịch, bạn sẽ biết nên sử dụng công cụ nào phù hợp với thị trường của bạn nhất.
Cuối cùng, các chỉ báo đôi khi sẽ đối lập, không đi cùng một hướng.
Để lựa chọn chỉ báo phù hợp, bạn phải bỏ nhiều thời gian và công sức. Đôi khi là tiền bạc. Nhưng nhờ vậy, kỹ năng của bạn sẽ được cải thiện đáng kể. Thị trường mới chính là ông thầy tốt nhất!
(Nguồn: Internet)