Kết hợp các chỉ số phân tích kỹ thuật trong đầu tư Forex như thế nào?

Bài viết này giải thích nguyên tắc sử dụng các chỉ số kết hợp với nhau cũng như một vài phương pháp mới áp dụng trong phân tích thị trường.

Phần lớn các phương pháp phân tích kỹ thuật và cơ bản đều có thể áp dụng được cho thị trường Ngoại hối. Hơn nữa, chúng còn có thể kết hợp với nhau. Một vài nhà kinh doanh chỉ thích áp dụng phương pháp phân tích kỹ thuật, trong khi những người khác lại theo dõi sát sao các tin tức số liệu thống kê kinh tế.

Xét một cách tổng thể, cả hai phương pháp phân tích đều được sử dụng để nghiên cứu một vấn đề duy nhất – biến động giá cả. Nhưng mỗi phương pháp lại có những đặc thù riêng.

Ví dụ: các công cụ phân tích kỹ thuật (mô hình giá, ngưỡng hỗ trợ và kháng cự, các chỉ số) thường cho ta những dấu hiệu sai lệch tại thời điểm một tin tức kinh tế quan trọng nào đó được công bố, nguyên nhân là bởi thị trường thường phản ứng ngay lập tức với tin tức đó và biến động theo suy nghĩ của các nhà kinh doanh, cũng đồng thời là những người đánh giá lại thị trường ngay sau khi tin tức đó xuất hiện. Khi phản ứng của thị trường qua đi, nó cân bằng trở lại và các chỉ số kỹ thuật lại trở nên đáng tin cậy.

Vậy thì cách tiếp cận tốt nhất là hãy nắm bắt những tin tức kinh tế có khả năng làm xác lập xu hướng của thị trường, và phân tích kỹ thuật sẽ giúp bạn xác định giới hạn biến động của giá cả.

Các yếu tố kinh tế cơ bản sẽ có tác động lớn tới thị trường vào những thời điểm mà các tin tức kinh tế vĩ mô quan trọng được công bố. Nếu không có tin tức kinh tế hay chính trị hoặc tin đồn nào đồng thời thị trường có vẻ yên ả thì giá cả sẽ lại được dẫn dắt bởi các chỉ số kỹ thuật.

Khi áp dụng các chỉ số phân tích kỹ thuật vào thực tế (có hơn 1.000 chỉ số như vậy cùng với rất nhiều biến thể của chúng) thì nguyên tắc sau nên được tuân thủ:

Phương pháp giao dịch cần phải càng đơn giản càng tốt, tuân thủ những nguyên tắc rõ ràng và có thể được kiểm chứng bằng các dữ liệu lịch sử.

Có một vài nguyên tắc chính trong giao dịch kỹ thuật như sau:

  • Hãy lựa chọn một phương pháp phân tích tình hình thị trường và xác định các khoảng thời gian trong đó thị trường có xu hướng hoặc ở trạng thái ổn định. Một thị trường đang điều chỉnh có đặc điểm là không có xu hướng rõ ràng và giá cả biến động trong khoảng hẹp. Một thị trường có xu hướng có đặc điểm là giá cả tăng hoặc giảm trong thời gian dài với nhiều mức đỉnh (hoặc đáy) liên tiếp nhau.
  • Đánh dấu các ngưỡng hỗ trợ, kháng cự và các đường giá trên biểu đồ.
  • Tìm mô hình nến và mô hình giá. Tùy thuộc vào chiến lược kinh doanh của bạn, hãy tìm kiếm các mô hình tiếp diễn và đảo chiều trên cơ sở hàng ngày, hàng giờ và trên các biểu đồ dài hạn.
  • Trong một thị trường đang có xu hướng, hãy chọn các đường trung bình di động như SMA, EMA, Alligator của Bill Williams và các đường khác để áp dụng
  • Trong một thị trường đang điều chỉnh, hãy áp dụng các chỉ số đo dao động như: RSI, Momentum, dao động ngẫu nhiên (Stochstic), v.v… Nếu sử dụng đồng thời các chỉ số này, bạn sẽ có được bức tranh rõ ràng hơn về thị trường nhờ tận dụng được tất cả ưu điểm của chúng.
  • Sau khi phân tích sơ bộ, những phương pháp phân tích bổ sung như Lý thuyết Sóng hay các mức Fibonacci thoái lui hay mở rộng nên được xem xét áp dụng.
  • Bạn nên bắt đầu với việc phân tích các biểu đồ hàng ngày (D1), rồi sau đó là 4 giờ (H4), 30 phút (M30) và một phút (M1).

Những nguyên tắc đơn giản này sẽ giúp bạn tự xây dựng chiến lược kinh doanh cho mình và áp dụng thành công vào thực tế giao dịch.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *