Các nhà kinh doanh có kinh nghiệm, khi được hỏi, đều có thể dễ dàng đưa ra những điểm tương đồng cơ bản trong sự thay đổi giá cả của các công cụ tài chính khác nhau.
Khi một công cụ tài chính nào đó được định giá tăng lên hay giảm đi thì các công cụ tài chính khác có quan hệ về mặt kinh tế với nó sẽ phản ứng theo chiều hướng mà chúng ta có thể dự báo được, nghĩa là một sự tăng lên hay giảm đi có thể được dự đoán một cách tương đối chính xác, tùy thuộc vào mối quan hệ giữa các công cụ tài chính này.
Tuy nhiên, sự tồn tại của các mối tương quan giữa chúng không có nghĩa là sự biến động cùng nhau chắc chắn sẽ xảy ra và đôi khi nó còn nằm ngoài quy luật thông thường. Mặc dù vậy, mối quan hệ phụ thuộc thường khá rõ ràng. Chúng ta hãy cũng xem xét một vài quan hệ điển hình.
Đồng đô-la Mỹ (USD) và Vàng: Tương quan ngược chiều
Trong những giai đoạn mà nền kinh tế tăng trưởng tốt và lạm phát thấp tại Mỹ, các dòng vốn đầu tư nước ngoài (để mua chứng khoán và trái phiếu chính phủ) ảnh hưởng tích cực đến tỷ giá hối đoái của đồng đô-la. Khi đó các nhà đầu tư không tập trung vào vàng.
Và, ngược lại, khi tăng trưởng kinh tế chậm lại và lạm phát tăng lên, các thị trường tài chính không ổn định và các nhà đầu tư cố gắng tránh bỏ vốn vào các tài sản có tính rủi ro, vì thế họ bán chứng khoán và mua vàng. Lạm phát càng làm cho vàng trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn bởi kim loại quý, không giống như tiền giấy, không bao giờ mất giá mà chỉ tăng dần lên qua thời gian.
Đồng đô-la Mỹ và Trái phiếu Chính phủ Mỹ: Tương quan thuận chiều
Sự phát triển của thị trường trái phiếu là sự đảm bảo cho một đồng đô-la mạnh bởi các nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải quy đổi đồng tiền của mình thành đô-la để mua trái phiếu của chính phủ Mỹ. Trong các giai đoạn bất ổn về kinh tế – chính trị, trái phiếu được coi là kênh đầu tư an toàn (save heaven/ flight-to-quality).
Dầu thô – Trái phiếu Chính phủ Mỹ: Tương quan ngược chiều
Lý do là giá dầu tăng cao thường làm cho lạm phát tăng theo. Bạn cần lưu ý là giá dầu tăng thường đồng hành với sự đi lên của giá vàng.
Các nguyên liệu thô – Trái phiếu Chính phủ Mỹ: Tương quan ngược chiều
Nếu giá các loại nguyên liệu thô trên thị trường tăng lên (cần theo dõi các chỉ số tương ứng) thì nhiều khả năng lạm phát sẽ tăng cao. Và lạm phát sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường trái phiếu.
Hợp đồng tiền tệ tương lai – Chỉ số đồng đô-la Mỹ: Tương quan ngược chiều
Diễn biến giá của các hợp đồng tiền tệ tương lai thường có tương quan chặt chẽ với Chỉ số Đồng đô-la Mỹ. Nếu các hợp đồng tương lai của các loại tiền tệ cơ bản tăng giá thì Chỉ số Đồng đô-la Mỹ ‒ được tạo thành từ một số loại tiền tệ quan trọng trên thế giới – sẽ đi xuống. Các nhà kinh doanh cần coi Chỉ số Đồng đô-la Mỹ là chỉ số cho thấy mức độ phụ thuộc của đồng đô-la vào các đồng tiền khác trên thế giới.
Ngũ cốc – Chỉ số Đồng đô-la Mỹ: Tương quan ngược chiều
Một đồng đô-la yếu sẽ có tác động tích cực lên giá ngũ cốc bởi các loại hàng hóa nông nghiệp xuất khẩu đến các quốc giá khác trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế.
Đồng đô-la Mỹ và giá dầu thô: Tương quan ngược chiều
Dầu thô là một trong những loại nguyên liệu quan trọng nhất đối với nền kinh tế của nhiều quốc gia, và diễn biến của giá dầu thô có quan hệ chặt chẽ với tỷ giá hối đoái của đồng đô-la Mỹ.
Giá dầu tăng nhanh gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ vì đây là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Giá các loại nhiên liệu chính được chế xuất từ dầu thô tăng lên, trong khi nhiên liệu là một trong những yếu tố đầu vào quan trọng nhất của nhiều ngành kinh tế.
Khi các doanh nghiệp và người dân phải bỏ thêm tiền để mua xăng và các loại nhiên liệu khác thì số tiền còn lại để mua hàng hóa và dịch vụ sẽ ít đi. Điều này làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế vì doanh thu của các nhà sản xuất giảm đi, do vậy sẽ có ít việc làm được tạo ra…
Bên cạnh đó, việc tăng giá nhiên liệu còn làm tăng giá cả hàng hóa và dịch vụ bởi nó làm tăng chi phí vận chuyển. Các nhà sản xuất buộc phải tăng giá bán hàng hóa đến tay người tiêu dùng, điều này làm cho nhu cầu mua các loại hàng hóa mà họ sản xuất ra xuống thấp.
Một tác động tiêu cực khác của việc tăng giá dầu thô là khi giá nhiêu liệu tăng, các nhà xuất khẩu buộc phải tăng giá thành hàng hóa bán cho nước ngoài, điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của họ nói riêng và giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế nói chung.
Các nhà kinh tế từ lâu đã chỉ ra rằng, kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai đến nay, chín trong mười lần suy thoái kinh tế Mỹ đều được đặc trưng bởi tình trạng giá dầu thô tăng cao. Điều này càng minh chứng rõ ràng hơn cho một thực tế là giá của thứ “vàng đen” này là yếu tố quan trọng nhất tác động đến nền kinh tế Mỹ.
Giá dầu thô còn diễn biến theo mùa: trước khi mùa đông – mùa cần năng lượng để sưởi ấm đến, các quốc gia ở Bắc bán cầu sẽ phải tăng lượng dự trữ nhiên liệu nên họ sẽ tăng thêm chi tiêu cho dầu thô và các sản phẩm của dầu thô. Quá trình dự trữ này sẽ ảnh hưởng đến lượng cầu dầu thô trên quy mô toàn thế giới và tiếp tục tạo áp lực đẩy giá dầu đi lên.
Các quốc gia Xuất khẩu Dầu mỏ OPEC cũng có khả năng gây ảnh hưởng tới giá dầu thông qua việc áp đặt hạn ngạch khai thác dầu mỏ đối với các quốc gia thành viên. Trong trường hợp giá dầu trên thị trường thế giới sụt giảm mạnh, các quốc gia OPEC sẽ đưa ra một quyết định chung nhằm cắt giảm sản lượng khai thác dầu hàng ngày để chặn bớt đà đi xuống của giá dầu thô trên thị trường.
Tỷ giá đồng đô-la Mỹ và các thị trường chứng khoán: Không rõ ràng
Sự suy yếu của đồng đô-la Mỹ dẫn tới nhiều tác động tiêu cực. Một tỷ lệ đáng kể trong thu nhập của các tập đoàn đa quốc gia với mức vốn hóa thị trường lớn và được niêm yết trong danh sách các cổ phiếu của Chỉ số Công nghiệp Dow Jones, trên thực tế, là bằng các đồng ngoại tệ khác trước khi được quy đổi sang đô-la Mỹ. Vì vậy, rõ ràng là các nhà đầu tư cần giảm bớt lượng tiền rót vào các tập đoàn đa quốc gia khi đồng đô-la Mỹ có dấu hiệu giảm giá so với các đồng tiền khác.
Tuy vậy, có một thực tế khá thú vị cần được xem xét ở đây, đó là: dữ liệu lịch sử của các thị trường tài chính cho thấy, đôi khi có những giai đoạn, thị trường chứng khoán lại tăng điểm khi đồng đô-la Mỹ yếu đi.
Về một khía cạnh nào đó, điều này mâu thuẫn với nguyên lý kinh tế vĩ mô: một nền kinh tế phát triển tốt sẽ giúp cho thị trường chứng khoán đi lên và đến lượt mình, một thị trường chứng khoán tăng giá sẽ làm cho đồng nội tệ mạnh lên.
Điều này đi ngược lại các học thuyết kinh tế cổ điển nhưng có thể dễ dàng giải thích được:
Đầu tiên, tỷ giá hối đoái của đồng đô-la không chỉ phản ánh tình hình nền kinh tế Mỹ mà hơn nữa, nó còn là sự so sánh một cách tương đối nền kinh tế Mỹ với nền kinh tế các quốc gia khác. Quá trình toàn cầu hóa tác động mạnh mẽ đến thị trường chứng khoán vì nó cho phép các tập đoàn đa quốc gia tăng nguồn thu nhập từ thị trường nước ngoài lên mức cao hơn nguồn thu từ quốc gia nơi mà tập đoàn đó đặt trụ sở.
Do đó, chúng ta có thể thấy giá cổ phiếu vẫn có thể đi lên khi mà tỷ giá hối đoái của đồng nội tệ đi xuống vì giá cổ phiếu phản ánh giá trị tổng thể của một tập đoàn trong khi tỷ giá hối đoái lại phản ánh sức mạnh tương đối của hai hay nhiều nền kinh tế.
Trong những năm giữa thế kỷ hai mươi, các nhà kinh doanh có thể nắm bắt chính xác diễn biến của đồng đô-la Mỹ chỉ bằng cách theo dõi biểu đồ của các chỉ số chứng khoán. Tuy nhiên, gần đây, mối quan hệ này đã không còn rõ ràng như trước. Thị trường chứng khoán và thị trường Ngoại hối thường cùng biến động sau khi một thông tin kinh tế quan trọng nào đó được công bố. Có hàng trăm sự kiện có khả năng tác động đến thị trường chứng khoán nhưng lại không hề tác động đến thị trường Ngoại hối.
Vì thế, không nên dựa vào các chỉ số trên thị trường chứng khoán khi tiến hành giao dịch trên thị trường Ngoại hối vì mối quan hệ giữa hai thị trường này thường không rõ ràng.
(Nguồn: Forex 101)