Phân tích kỹ thuật là gì?
Phân tích Kỹ thuật là phương pháp được sử dụng để phân tích giá cả, dự báo xu hướng và đánh giá triển vọng của thị trường.
Cơ sở của phân tích kỹ thuật là bảng giá.
Phân tích Kỹ thuật (PTKT) không nghiên cứu lý do của các thay đổi về giá cả (điều này nằm trong phạm vi xem xét của phân tích cơ bản) mà nghiên cứu tác động của những lý do đó.
Phân tích kỹ thuật sử dụng các công cụ toán học để tạo ra các chỉ số khác nhau. Các chỉ số này được sử dụng để đánh giá tình hình thị trường một cách nhanh chóng và cuối cùng kết quả của nó sẽ được áp dụng vào các quá trình giao dịch.
Giá cả chính là yếu tố quyết định các chỉ số, do đó điểm yếu của các chỉ số kỹ thuật là chúng thường “trễ pha” – tức là phản ánh chậm diễn biến của thị trường.
Tuy nhiên, ngày nay PTKT được coi là một trong các phương pháp phổ biến và hữu ích nhất để dự đoán biến động của giá cả.
Tại sao chúng ta có thể tin tưởng ở PTKT?
PTKT ngày nay dựa trên 3 nguyên lý:
- Thị trường phản ánh tất cả mọi thứ. Giá cả thường phản ánh nhiều yếu tố cùng đồng thời tác động đến thị trường
- Giá cả biến động theo xu hướng. Mối quan tâm chính của một nhà kinh doanh thành công là làm sao nắm bắt được tín hiệu của một xu hướng mới manh nha càng sớm càng tốt.
- Lịch sử thường hay lặp lại. Trên thực tế, tỷ lệ thành công có thể lên tới 60 – 70%. Một sự kiện đã xảy ra trong quá khứ thường có xu hướng sẽ lặp lại trong tương lai. Điều này không chỉ đúng với con người mà còn đúng với cả các thị trường tài chính.
Do vậy, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên là phân tích kỹ thuật cho ta hiểu biết về tương lai bằng cách nghiên cứu những gì đã xảy ra trong quá khứ. Bằng cách hiểu được những xu hướng có tính lặp lại cao, một nhà phân tích có đầy đủ mọi lý do để nói rằng các xu hướng đó sẽ tiếp tục lặp lại trong tương lai.
Độ chính xác của dự báo kỹ thuật có thể đạt tới 80%, tùy thuộc vào việc dự báo ấy do ai đưa ra.
Đồng thời, nó cũng phụ thuộc nhiều vào việc diễn giải các tín hiệu và phương pháp phân tích được sử dụng. Độ chính xác của một dự báo sẽ tăng lên nhiều lần nếu các dấu hiệu của một chỉ số được xác nhận bằng các dấu hiệu của một vài chỉ số khác.
Mỗi nhà kinh doanh dựa trên phân tích kỹ thuật sẽ chọn các công cụ kỹ thuật phù hợp nhất với cách tiếp cận của mình khi xây dựng chiến lược giao dịch. Với việc sử dụng một vài công cụ cùng lúc để phân tích diễn biến thị trường, độ chính các của dự báo có thể tăng lên tới 50% thậm chí là 80% trong một số trường hợp.
Thường thì phân tích kỹ thuật có thể đưa ra các dự báo chính xác hơn nếu được áp dụng với các biểu đồ dài hạn (hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng).
Phân tích kỹ thuật cố gắng đưa ra các mô hình cho sự thay đổi của giá cả khi xem xét chúng trong dài hạn chứ không phải ngắn hạn.
Diễn biến của giá cả trong một quãng thời gian dài là yếu tố quan trọng nhất cần xem xét đến khi thực hiện các phân tích kỹ thuật bởi chúng phản ánh các thay đổi kinh tế vĩ mô thực sự. Các tin tức kinh tế vĩ mô quan trọng nhất cũng thường được công bố theo chu kỳ hàng tháng hoặc hàng quý. Vì vậy, sẽ là hợp logic nếu giả định rằng các xu hướng kỹ thuật thường hình thành và kết thúc trong những quãng thời gian tương đương như vậy.
Ưu và nhược điểm của Phân tích Kỹ thuật
Phân tích kỹ thuật sẽ giúp bạn kiểm soát được những áp lực tâm lý bởi việc dự đoán diễn biến thị trường một cách khách quan sẽ trở nên dễ dàng hơn bằng cách sử dụng các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự, các chỉ số và các mô hình giá. Khi tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc giao dịch kỹ thuật thì một nhà kinh doanh thường có khả năng chịu được áp lực tâm lý thua lỗ tốt hơn.
Phân tích kỹ thuật sử dụng kết hợp nhiều phương pháp khác nhau để làm rõ tình hình hiện tại và dự đoán các diễn biến tiếp theo của thị trường
Còn nhược điểm lớn nhất của phân tích kỹ thuật là, trên thực tế, nó hoàn toàn dựa vào dữ liệu lịch sử mà lịch sử thì không phải bao giờ cũng lặp lại. Vì thế, tín hiệu từ các chỉ số có thể không phản ánh kịp thời tình hình đang diễn ra trên thị trường.
Phân tích kỹ thuật nghiên cứu kết quả của một mô hình chứ không nghiên cứu các nguyên nhân tạo ra mô hình đó. Mặc dù một sự kiện có thể gây ra những tác động rất lớn tới thị trường nhưng cũng không có gì bảo đảm chắc chắn là giá cả sẽ có những thay đổi ngay sau sự kiện này.
Một nhược điểm khác của phân tích kỹ thuật là các chỉ số có thể dẫn tới sự hiểu nhầm hoặc hiểu không chính xác trong các tình huống khác nhau trên thị trường. Tình trạng các nhà đầu cơ áp dụng chiến lược giao dịch tương tự nhau nhưng lại thu được kết quả khác xa nhau rất thường xuyên xảy ra.
Tại sao lại có điều này?
Lý do là các chỉ số được áp dụng trong các khoảng biên độ thời gian khác nhau, các tín hiệu được hiểu khác nhau, và chiến lược kiểm soát rủi ro được áp dụng cũng khác nhau. Nói cách khác, phân tích kỹ thuật rất đa dạng. Quan điểm cá nhân của nhà kinh doanh cũng có ảnh hưởng đến việc anh ta diễn giải các dữ liệu lịch sử và dữ liệu mới cập nhật như thế nào.
Phân tích kỹ thuật đang dần trở nên phổ biến và có sức nặng hơn bởi ngày càng có nhiều nhà kinh doanh áp dụng cùng một kiểu phân tích. Khi mà các nhà kinh doanh trên thế giới cùng nhận định một mô hình kỹ thuật đang xuất hiện thì họ sẽ có những hành động tương tự nhau.
Với phân tích kỹ thuật nói chung, càng có nhiều quan điểm khi phân tích và càng có nhiều diễn giải được minh họa bằng hình ảnh của dữ liệu thì nhà kinh doanh càng có cơ hội xem xét thông tin dưới nhiều góc độ khác nhau, và điều này giúp cải thiện sự sâu sắc và chất lượng của phân tích được thực hiện dựa trên các dữ liệu đó.
(Nguồn: Forex 101)