Động thái chặn Binance của Anh đang mở đường cho các sàn giao dịch tiền mã hoá đối thủ phát triển. Gần đây, số lượng người dùng mới của các sàn này tại Anh tăng chóng mặt.
Theo CNBC, tháng trước, Cơ quan Quản lý Tài chính Anh (FCA) đã cấm Binance, sàn giao dịch tiền mã hoá lớn nhất thế giới theo khối lượng giao dịch, hoạt động pháp lý tại nước này. Theo FCA, Binance đã rút đơn đăng ký tại Anh vào tháng 5 do không thể đáp ứng các yêu cầu chống rửa tiền của chính phủ.
Trên thực tế, Binance được phép tiếp tục cung cấp dịch vụ giao dịch tiền mã hoá cho người dân Anh, nhưng theo lệnh của cơ quan quản lý, Binance phải thêm thông báo trên website rằng họ không được phép hoạt động ở Anh.
Binance cho biết quy định mới của FCA chỉ nhắm tới pháp nhân Binance Markets Limited của họ tại Anh và sẽ không ảnh hưởng đến các dịch vụ do Binance.com cung cấp ở quốc gia châu Âu này.
Tuy nhiên, sau các lệnh hạn chế của FCA, Binance đã phải gánh chịu thiệt hại nặng nề. Các nhà đầu tư tạm thời không thể rút tiền vào thẻ do sự cố với hệ thống thanh toán nhanh của Anh. Ngân hàng Barclays còn chặn khách hàng thanh toán cho sàn giao dịch tiền mã hoá lớn nhất thế giới.
THỜI CƠ CỦA CÁC SÀN ĐỐI THỦ
“Tai bay vạ gió” của Binance ở Anh lại đem đến lợi ích cho các đối thủ. Số lượng người dùng của một số sàn giao dịch tiền mã hoá khác đã tăng gấp đôi kể từ khi FCA ban hành lệnh hạn chế với Binance, CNBC đưa tin.
Bà Julian Sawyer, CEO của sàn Bitstamp (trụ sở tại Luxembourg), cho biết:
Khách hàng ở Anh đang tìm đến chúng tôi, dù Bitstamp không thực hiện bất kỳ thay đổi marketing nào.
Tính đến ngày 6/8, số lượng người dùng của Bitstamp đã tăng 138% kể từ sau động thái của FCA đối với Binance.
Bà Sawyer nói thêm:
Tôi nghĩ nhà đầu tư đang tìm một nơi an toàn để trú chân. Nếu bạn được thông báo ngân hàng mình đang sử dụng không bảo mật bằng, hẳn bạn sẽ chuyển tiền sang ngân hàng khác an toàn hơn.
Ngoài ra, sàn giao dịch tiền mã hoá Kraken có trụ sở ở Mỹ cũng được hưởng lợi. Chia sẻ với CNBC, phát ngôn viên của Kraken cho biết:
So với các thị trường lớn của chúng tôi, tỷ lệ đăng ký tài khoản mới từ Anh đã tăng gần hai lần trong vài tuần qua.
Gemini là một trong số ít sàn giao dịch tiền mã hoá được phép hoạt động pháp lý tại Anh. Đây là công ty do hai tỷ phú bitcoin đầu tiên trên thế giới – Cameron và Tyler Winklevoss thành lập.
Ông Blair Halliday, người quản lý hoạt động của Gemini tại Anh, cho hay:
Cơ sở người dùng của chúng tôi đang tăng trưởng vượt bậc khi ngày càng nhiều nhà đầu tư tiền mã hoá tìm tới các công ty đã được chính phủ phê duyệt.
BINANCE GẶP VẬN XUI
Vận xui của Binance không chỉ giới hạn ở Anh.
Đầu tuần này, Binance thông báo họ đã tạm thời ngừng chuyển khoản ngân hàng bằng đồng euro do “sự cố nằm ngoài tầm kiểm soát”. Cụ thể, các khoản tiền gửi bằng đồng euro theo hệ thống thanh toán chung bằng đồng euro (SEPA) đã bị giữ lại vô thời hạn.
Hơn nữa, các cơ quan quản lý ở Canada, Nhật Bản và Thái Lan cũng đã đưa ra cảnh báo về việc Binance hoạt động mà không được cấp phép.
Trong một bài đăng trên blog vào giữa tuần, CEO Binance Changpeng Zhao khẳng định sàn giao dịch tiền mã hoá lớn nhất thế giới “vẫn còn nhiều dư địa để phát triển” và mọi việc không cần phải lúc nào cũng suôn sẻ.
“Vấn đề pháp lý là một hành trình dài, đặc biệt là ở những lĩnh vực mới mẻ như tiền mã hoá”, Zhao nhấn mạnh. Vị giám đốc điều hành cho biết thêm rằng Binance đang tuyển dụng thêm nhân viên pháp lý và bản địa hóa các hoạt động để đáp ứng yêu cầu của các cơ quan quản lý.
Một loạt biến cố gần đây của Binance diễn ra sau khi Bắc Kinh ra sức kìm hãm ngành công nghiệp tiền mã hoá. Khá nhiều khu vực tại Trung Quốc đã tiến hành đóng cửa các cơ sở khai thác tiền mã hoá tiêu tốn nhiều năng lượng, trong bối cảnh có nhiều người lo ngại về tác động môi trường của hoạt động đào coin.
Đầu tuần này, Bắc Kinh đã kêu gọi đóng cửa một công ty bị nghi ngờ là cung cấp phần mềm cho các giao dịch tiền mã hoá.