Có hàng loạt kênh thanh toán không tiền mặt như cà thẻ, thanh toán online trên điện thoại di động, chi tiêu qua ví điện tử – Ảnh: T.L
Sau nhiều năm quen rút tiền mặt để chi tiêu, nhiều người đã chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt. Dự báo xu hướng này ngày càng thắng thế trong năm 2020 khi có đến 63% người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản ngân hàng.
Công ty Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) cho biết năm 2019 hệ thống chuyển mạch Napas tăng trưởng 80,2% về tổng số lượng giao dịch và 170,6% về tổng giá trị giao dịch so với năm 2018.
Đáng lưu ý, không chỉ tăng trưởng về số lượng và giá trị giao dịch, cơ cấu giao dịch thông qua hệ thống Napas có sự dịch chuyển từ chuyển mạch ATM sang chuyển mạch thanh toán liên ngân hàng.
Cụ thể, năm 2018 tỉ trọng giao dịch ATM chiếm đến 62%, năm 2019 giảm còn 42%. Còn tỉ trọng giao dịch thanh toán liên ngân hàng tăng từ mức 26% năm 2018 lên 48% năm 2019.
Theo Napas, con số này cho thấy xu hướng chuyển dịch thói quen từ việc rút tiền qua ATM phục vụ cho việc chi tiêu hàng hàng ngày sang thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh ngân hàng điện tử.
Ông Phạm Tiến Dũng – vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước – cho biết hiện có trên 40 triệu người Việt Nam có tài khoản ngân hàng, chiếm 63% số người trưởng thành. So với năm 2015, số người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản ngân hàng đã tăng gấp đôi.
Cùng với sự gia tăng số người có tài khoản ngân hàng, các giao dịch như giao dịch thanh toán nội địa của thẻ hay giao dịch qua kênh internet cũng tăng rất nhanh. Trong đó, tăng nhanh nhất là kênh giao dịch ngân hàng qua điện thoại di động với mức tăng 196% về số lượng và 225% về giá trị.
Từ thực tế đó, Ngân hàng Nhà nước định hướng sẽ đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt mà trọng tâm là thanh toán trên di động. Đây cũng là câu chuyện sống còn của ngành ngân hàng vì khảo sát cho thấy một khách hàng thanh toán điện tử có thể sử dụng dịch vụ gấp 3 lần khách hàng truyền thống.