“Tiền bạc giống như thức ăn. Muốn đạt mục tiêu đề ra, chúng ta phải biết chừng mực và kiểm soát bản thân. Hầu hết mọi người đều không làm được điều này”, Ashley Feinstein Gerstley cho biết.
Sau một mùa hè “vung tay quá trán”, tôi quyết định sẽ “thắt lưng buộc bụng” vì áp lực từ cuộc sống đắt đỏ ở thành phố New York. Tôi tìm đến cuốn sách “The 30-Day Money Cleanse” của tác giả Ashley Feinstein Gerstley để xin lời khuyên. Cô cho biết, việc chi tiêu tiết kiệm cũng chẳng khác gì tập ăn kiêng, phải biết kiểm soát bản thân thì mới thành công.
Gerstley cũng khuyên mọi người nên tiết kiệm bất cứ lúc nào có thể, kể cả khi bận rộn. “Tiết kiệm sẽ tạo cho bạn một lối sống mới, và bạn không cần chờ cho tới khi rảnh rỗi mới thực hiện”, cô cho biết.
Tuần 1: Loại bỏ các khoản chi tiêu phù phiếm
Loại bỏ các khoản chi tiêu phù phiếm có nghĩa là loại bỏ những gì bạn nghĩ là không cần thiết.
Tôi quyết định sẽ thu hẹp ngân sách cho việc ăn ngoài (tôi chỉ đi vài lần mỗi tháng nhưng nó khá tốn), mua đồ ăn vặt và cà phê tại cơ quan. Tôi không muốn cuộc sống của mình bị cản trở bởi những điều nhỏ nhặt này.
Thay vào đó, tôi đăng ký học một lớp yoga miễn phí, mua một hộp sushi giá 15 USD ngoài cửa hàng, và chi 29 USD cho bia, sandwich và kem vào tối thứ Bảy. Có thể chúng hơi phù phiếm một chút nhưng đó là cái giá không quá đắt để đổi lấy những giờ phút thư giãn miễn phí. Bởi lẽ, tôi sẽ được tham gia nhiều bài tập hay ho và lễ hội nhiếp ảnh ngoài trời).
Đến cuối tuần, dù rất thèm đống đồ ăn vặt, tôi chợt nhận ra chúng chẳng có gì đặc biệt. Tôi là một đầu bếp giỏi và hoàn toàn có thể tự nấu bữa ăn mang đi. Cách này không chỉ rẻ hơn mà còn rất lành mạnh – chúng tôi đã tiết kiệm được rất nhiều đồ ăn thừa.
Chỉ trong 1 tuần, tôi đã tiết kiệm được hơn 40 USD so với thông thường mà không cần hy sinh cuộc sống quá nhiều.
Tuần 2: Để dành tiền cho những thứ khiến mình hạnh phúc
Đến tuần tiếp theo, tôi quyết tâm dành tiền cho những thứ khiến tôi thực sự hạnh phúc. Tôi cứ nghĩ mình không mấy khi chi tiêu phù phiếm, nhưng lúc tổng hợp lại, con số đó đã lên tới hàng trăm USD, thậm chí còn có thể là hàng nghìn USD.
Việc tôi cần làm là buông bỏ các khoản chi tiêu, thay vì cắt giảm hẳn. Khi bạn cắt giảm, có nghĩa là bạn đang tự giới hạn bản thân. Còn khi bạn buông bỏ, có nghĩa là bạn chọn cách dùng tiền cho một mục đích khác đáng giá hơn. Vì thế, tôi quyết định sẽ hủy thẻ tập yoga cũ, ngừng mua cà phê và đi mua sắm mỗi tháng.
Trong tuần này, tôi có hẹn đi ăn tối với bạn cùng phòng và tổ chức tiệc kỷ niệm ngày yêu nhau với người yêu. Tôi cố gắng chỉ tiêu 22 USD cho bữa ăn tối với bạn. Dù thức ăn không quá tuyệt vời nhưng chúng tôi đã có những giờ phút vui vẻ bên nhau. Bữa tiệc kỷ niệm có đắt đỏ hơn chút, nhưng thỉnh thoảng chi như vậy thì cũng không sao.
Để sống một cách tằn tiện nhất, tôi chỉ dùng 2 USD để mua vài tấm ảnh xinh đẹp về trang trí nhà cửa. Tôi cũng mua thêm một cái cây mới với giá 19 USD để cho vào chiếc chậu rỗng có sẵn. Tuy nhiên, bạn nên cẩn thận khi mua đồ trang trí nhà bởi đó chính là cái bẫy chi tiêu mà nhiều người dễ mắc.
Tuần 3: Đầu tư tiền vào những thứ làm tăng giá trị bản thân
Trong tuần cuối cùng của thử thách, nhiệm vụ của tôi là đặt ra những mục tiêu có thể thực hiện được trong tương lai và chia sẻ chúng với người thân. Lên mục tiêu thì dễ, nhưng nói với mọi người về chuyện tiền nong mới khó.
Tôi thử nói với bạn cùng phòng của mình, và chuyện này dễ hơn tôi nghĩ. Chúng tôi bàn nhau dành tiền để mua sắm vật dụng sinh hoạt cần thiết và đồ dùng gia đình, thay vì các thứ phù phiếm. Chúng tôi cũng quyết định chỉ ăn hàng 1 lần/tháng để có thể để dành tiền đi du lịch với nhau.
Kết luận
Sau 30 người thắt chặt chi tiêu, tôi đã không còn “vung tay quá trán” như trước nữa. Ngoài ra, tôi còn duy trì được thói quen ghi chép hàng ngày để kiểm soát chi tiêu. Bên cạnh đó, tôi cũng sẵn sàng đem trả những món quần áo và giày dép không thực sự hữu dụng để đổi lấy những món đồ phù hợp hơn. Thậm chí, thỉnh thoảng tôi còn đổi quần áo với bạn bè hoặc ghé thăm các cửa hàng đồ cũ.
Giờ đây, tôi biết ưu tiên dành tiền bạc cho những thứ cần thiết. Từng đồng USD tôi bỏ ra đều phục vụ cho mục đích của bản thân. Tôi còn lập quỹ tiết kiệm cho các mục tiêu mới như du lịch và quà tặng, và tự động phân bổ tiền vào đây mỗi tháng.
“Thắt lưng buộc bụng” là một việc tương đối dễ dàng và vui vẻ. Tôi không phải cưỡng ép bản thân từ bỏ những thứ mình không sẵn sàng. Thay vào đó, tôi biết cách sử dụng đồng tiền một cách khôn ngoan hơn, để làm giàu cho tương lai của chính mình.
Bài chia sẻ của Emily Pandise – cây viết chuyên về công nghệ và kinh doanh tại AP, NBC News.