Vì sao thị trường tiền mã hóa hay “sập” vào cuối tuần?

Xu hướng mất giá cuối tuần có thể sẽ khiến Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ cân nhắc nhiều hơn khi phê duyệt cho các quỹ đầu tư.

Tiền mã hóa thường có xu hướng biến động mạnh vào các phiên cuối tuần. Đây là hiện tượng xảy ra trong vài năm trở lại đây, theo nhận định của Stephen McKeon, Phó Giáo sư tài chính tại Đại học Oregon và đối tác của Collab + Currency.

Những đợt rớt giá cuối tuần có thể tác động đáng kể các chính sách quản lý thị trường tiền mã hóa. Theo CNBC, có một số nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này.

SỐ LƯỢNG GIAO DỊCH ÍT HƠN VÀO CUỐI TUẦN

Amin Shams, giảng viên tài chính tại Đại học bang Ohio ở Columbus, Ohio, cho biết một trong những lý do khiến tiền mã hóa biến động vào cuối tuần là do có ít giao dịch hơn.

“Khi số lượng giao dịch thấp, cùng một quy mô giao dịch có thể đẩy giá lên rất nhiều”, ông cho biết.

McKeon cho biết do ngân hàng đóng cửa vào cuối tuần, nhà đầu tư có thể mất nhiều thủ tục hơn để chuyển thêm tiền vào tài khoản, từ đó gặp khó khăn trong việc tạo thêm giao dịch mới

Thông thường, tình trạng này kết thức vào đêm Chủ nhật khi các ngân hàng châu Á mở cửa và chậm nhất là vào thứ Hai, khi các ngân hàng Mỹ cũng đồng loạt hoạt động lại sau đó, McKeon nói thêm.

Ngoài ra, Tyrone Ross, Giám đốc điều hành của Onramp Invest ở New York, bổ sung rằng xu hướng giao dịch ít hơn vào cuối tuần cũng có thể bắt nguồn từ những người có ảnh hưởng như Elon Musk.

Khi Musk đăng điều gì đó tiêu cực về Bitcoin vào cuối ngày thứ Sáu, điều đó có thể gây ra một làn sóng không tốt đến thị trường này vào hai ngày cuối tuần.

GIAO DỊCH KÝ QUỸ

Một lý do khác cho sự biến động giá cuối tuần là việc giao dịch ký quỹ của các nhà đầu tư, tức vay tiền từ các sàn giao dịch để mua thêm tài sản, Shams nhận định.

Khi giá Bitcoin giảm xuống một mức nhất định nào đó, các nhà giao dịch phải hoàn trả khoản đã vay trước đó. Hành động này thường được gọi là “margin call”. Tuy nhiên, nếu các nhà đầu tư không thể trả khoản vay, các sàn giao dịch được quyền bán đi tài sản tiền kỹ thuật số để thu hồi số tiền cho vay.

Với việc các ngân hàng đóng cửa vào cuối tuần, một số nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc trả nợ vì họ không thể chuyển tiền vào tài khoản của mình, dẫn đến việc bán tháo từ các sàn giao dịch, Shams nhận định.

THAO TÚNG THỊ TRƯỜNG

Giáo sư Shams cũng không loại trừ khả năng có những người thao túng được thị trường tiền mã hóa. Việc ai đó cố gắng tạo những tác động giả nhằm thao túng thị trường cũng có thể là một yếu tố, và có rất nhiều nghiên cứu chứng minh có sự thao túng xuất hiện trong lĩnh vực này.

Một nghiên cứu năm 2019 từng chỉ ra cách Tether, một loại tiền kỹ thuật số gắn với đồng USD, có khả năng làm tăng ảo giá của đồng Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác, trong thời kỳ bùng nổ của thị trường này vào năm 2017.

Ngoài ra, một lý thuyết khác đưa ra lập luận về các lệnh mua hoặc bán giả, nhằm gây ảnh hưởng đến giá tiền mã hóa bằng cách tạo ra cảm giác sai lệch về cung và cầu.

Một số người tin rằng điều này thường xảy ra vào các ngày trong tuần, khiến giá tiền mã hóa tăng vọt, nhưng chuyên gia như Shams nghĩ rằng giả thiết này có thể chỉ là suy đoán.

Bất kể lý do biến động vào cuối tuần là gì, tình trạng này đặt ra những thách thức cho các nhà quản lý khi cân nhắc việc phê duyệt các quỹ giao dịch tiền mã hóa.

Điển hình như việc trong khi quỹ đầu tư Bitcoin ETF giao dịch trong tuần làm việc, các nhà đầu tư tự do có thể mua hoặc bán 24/7, điều này có thể tạo ra sự chênh lệch giữa giá trong quỹ và giá thực tế.

Chẳng hạn, nếu thị trường giảm 20% vào Chủ nhật, những người muốn bán có thể bị mắc kẹt với ETF cho đến khi thị trường mở cửa trở lại vào thứ Hai.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ Gary Gensler đã kêu gọi bảo vệ nhà đầu tư, báo hiệu rằng có thể sẽ có nhiều quy định hơn nữa trước khi cơ quan này phê duyệt các quỹ tiền mã hóa.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *